Chương trình giáo dục “Toàn diện” ở nước ta kỳ vọng sẽ tạo ra những con người toàn diện nhưng khó có thể tạo ra được những nhân tài theo kiểu “Toàn diện” nhồi nhét như hiện nay.
|
Học sinh đang mong chờ những cải cách hợp lý trong chương trình giáo dục hiện nay. |
Ngày19/8, ở Ấn Độ, GS Ngô Bảo Châu nhận giải Fields, đó cũng là ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám của nước ta. Thật ngây thơ và khiên cưỡng khi nói rằng, GS Ngô Bảo Châu là con người của Cách mạng Tháng Tám, song người Việt Nam có niềm tự hào chính đáng khi liên tưởng hai sự kiện. Liên tưởng để tìm kiếm niềm tin trong các sự kiện rời rạc mà biết đâu có mối liên hệ sâu xa và đặc biệt hơn, suy nghĩ về những vấn đề của cuộc sống hiện tại, tương lai.
Như vấn đề giáo dục. Không cần bàn cãi nữa, GS Ngô Bảo Châu là con người của nước Việt Nam độc lập, thống nhất, nhưng giải thưởng Fields là thành tựu của nước Pháp với trường đại học có những người thầy đã tạo ra môi trường nghiên cứu cho GS Ngô Bảo Châu phát huy được tài năng kiệt xuất.
GS Ngô Bảo Châu có làm thơ, viết văn, nhưng chắc chắn ông cũng chỉ là một nhà toán học kiệt xuất và thế cũng là quá đủ. Vậy hàng triệu học sinh, sinh viên bình thường ở nước ta đang được giáo dục để thành con người toàn diện phải được hiểu như thế nào? Xin hãy xem chương trình dạy học trong nhà trường hiện nay.
Ngoài các môn văn hóa, có thêm môn mỹ thuật, âm nhạc, Quốc phòng, Luật Giao thông, Phòng chống tệ nạn xã hội, Phòng chống tham nhũng, Công ước Quyền trẻ em của Liên hiệp quốc, môn võ có tên Vovinam. Ngày 17-8-2010, nhiều doanh nghiệp kiến nghị với Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đưa cuộc vận động này vào trường học “nhằm xây dựng ý thức tự tôn dân tộc”. Mới đây, một số người thích môn cờ vua lại kiến nghị, đưa môn này vào trường học để “rèn luyện trí thông minh”.
Hóa ra những cặp sách đang đè nặng lưng con trẻ từ tuổi ấu thơ nhưng với khá nhiều người vẫn là nhẹ hoặc họ cố tình nhắm mắt làm ngơ trước sức nặng kinh khủng. Chưa bàn tới quỹ thời gian trong nhà trường có hạn, nếu cho có đủ thời gian thì người lớn cũng không học được kiến thức bách khoa như thế, làm sao bắt con trẻ? Phải chăng cái nguyên lý giáo dục toàn diện là kỳ vọng của người lớn, bậc cha anh không đạt được nên mong muốn con em? Hay sự “Toàn diện” ở đây chỉ là sự nhồi nhét những thứ mà người lớn muốn đổ lên đầu con trẻ?
Vậy thì những câu hay ho như lấy học trò làm trung tâm, tất cả vì học sinh thân yêu, chỉ là đầu môi chót lưỡi? Đương nhiên, trẻ con muôn đời cứ là trẻ con, người lớn có việc của người lớn và trẻ con có việc của trẻ con, không thế hệ nào gánh vác được trách nhiệm của nhau, càng không thể biến thành kỳ vọng của nhau. Và kỳ vọng của người lớn dù tốt đẹp nhưng thái quá còn dẫn tới hậu quả lệch lạc, làm hại con trẻ.
Nghĩ về giáo dục những ngày này lại không thể không quan tâm tới thông tin về Alexandria Huynh, một sinh viên gốc Việt 17 tuổi, vừa tốt nghiệp trường Đại học Cal State L.A. và được trường đại học Harvard nhận vào học chương trình Tiến sĩ y khoa với học bổng toàn phần. Alexandria Huynh vào đại học lúc 13 tuổi, qua chương trình dành cho các sinh viên vào đại học trước tuổi (University’s Early Entrance Program), ra trường năm nay với bằng cử nhân sinh học hạng ưu và đang là người có bằng cử nhân trẻ nhất của trường Đại học Cal State L.A.
Nhìn lại chương trình giáo dục “Toàn diện” ở nước ta, dù có nhiều kỳ vọng lớn lao nhưng khó có thể tạo ra được những nhân tài tương tự GS Ngô Bảo Châu, hay Alexandria Huynh. Giáo dục cần tạo ra những con người toàn diện, nhưng không phải là kiểu “Toàn diện” nhồi nhét thô thiển!
Sáu Nghệ